(Viet4phuong) - Nằm khuất sâu, trong con hẻm nhỏ của xã Long Giao, huyện Cầm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có một lớp học “đặc biệt”. Thầy, hai chàng trai tật nguyền nhiễm chất độc đi-ô-xin, người học hết THCS, người học hết PTTH. Học trò là những đứa trẻ trong xóm, đủ các lứa tuổi, lớp, cấp. Vậy mà lớp học đã tồn tại gần tám năm, mỗi ngày một đông...
[img]
[/img]
Hai thầy giáo Hoài Phú - Hoài Phi.
Chuyện cảm động về tình mẫu tử
Chủ nhân của lớp học “đặc biệt” đó là hai anh em ruột Trần Hoài Phú, Trần Hoài Phi. Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Đồng Nai, người đã tình nguyện đưa chúng tôi từ TP Biên Hòa vượt cả trăm cây số tới tận ấp Suối Răm gặp Phú và Phi cho biết: Trần Hoài Phú sinh năm 1982, còn Trần Hoài Phi sinh năm 1984, cả hai anh em đều là nạn nhân chất độc da cam. Gia đình các em thuộc diện hộ nghèo của huyện. Hằng tháng, ngoài tiền trợ cấp xã hội 240 ngàn đồng của Nhà nước, thu nhập của cả gia đình gồm bốn người chỉ dựa vào nghề cạo hạt điều của người mẹ. Bao năm qua, một mình bà Tuyết (mẹ của Phú và Phi) phải chạy đôn chạy đáo lo toan với gánh nặng gia đình, oằn mình nuôi bốn người con khôn lớn.
Ngôi nhà của Phú và Phi chỉ khoảng hai chục mét vuông, thấp lè tè như nhà của dân nghèo vùng biển miền trung thường dựng để tránh gió, tránh bão. Giữa vùng đất cây công nghiệp với những khoảnh điều, cao su xanh mướt, ngút ngàn tầm mắt, ngôi nhà nhỏ trơ trọi, xiêu vẹo cùng mảnh vườn cằn cỗi như báo hiệu chủ của nó đã sức cùng lực kiệt. Quả thực, đã hơn chục năm nay, đó là nơi một người mẹ bị chồng ruồng rẫy, hai người con trai tàn tật ăn ngồi một nơi, cùng người con gái cả vì thương mẹ, thương em dù đã luống tuổi vẫn không dám đi lấy chồng, bấu víu vào nhau sinh sống.
Chị Hoàng Thị Tuyết, mẹ của Hoài Phú, Hoài Phi kể: “Khi sinh ra, cả Phú và Phi đều là những đứa trẻ bình thường. Nhưng ngày, tháng cứ trôi qua mà không thấy các con tập chững, tập đi như những đứa trẻ khác. Dần dần cả hai anh em Phi cứ ngày một teo tóp, hình dáng bên ngoài ngày càng biến dạng, tay chân co quắp lại, chẳng đứa nào có thể tự di chuyển. Tôi cõng con đi khắp các bệnh viện, nước mắt rơi tưởng chừng sắp cạn khô, vậy mà chúng vẫn không thể bước đi…”.
Cho đến một ngày, thấy những đứa bạn cùng lứa trong xóm được tới trường, hai anh em Phi nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Nhà nghèo, cộng thêm bệnh tật của con, nhưng nhìn chúng năn nỉ xin đi học, chị Tuyết chỉ biết khóc. Vì quá thương con, nên chị đã làm theo ý muốn của con. Thế là cứ sáng đến chị cho cả hai con lên xe đạp, một ngồi trước, một ngồi sau, cả ba mẹ con cùng đến trường. Thân hình hai con quá nhỏ, chân tay co cóp, đầu bị nghiêng, sức mẹ thì yếu, nên mỗi lần chở con đi học chị phải lấy sợi dây mền quấn anh em Phi và Phúc lại. Trong khi bạn bè cùng trang lứa vui đùa, chạy nhảy và tự cắp sách tới trường thì hai anh em Phú, Phi lại nhẫn nại ngồi sau yên chiếc xe đạp cà tàng để mẹ chở đến lớp.
Cứ thế, bất kể trời mưa hay nắng, chị Tuyết cũng ráng chịu cực đưa hai anh em đến trường đúng giờ. Hết giờ chị lại tất tả đến đón về. Có những ngày mưa ngập đường, cả ba mẹ con té lên, té xuống. Đến được trường, cả người, cả xe bê bết bùn đất. Cực nhất là Phú và Phi học hai trường. Phi học cấp hai xa hơn chị đưa đi trước. 12 giờ trưa là mẹ con lên đường, để sau đó còn kịp về đón Phú tới trường cấp một. Đưa cả hai con đến trường xong lúc đó mới là bữa trưa của mẹ.
Trường cấp một cách nhà hai km, trường cấp hai bốn km, rôì trường cấp ba 6-7km, ngày nào cũng vậy, người dân ấp Răm đã quen với cảnh chị Tuyết thồ con đến trường, rồi lầm lũi cõng từng đưa một để đưa con vào lớp học. Chị kể, hồi Phi học cấp ba, lớp ở trên lầu ba. Lúc này con đã lớn, đã nặng hơn nên chị phải vất vả bế Phi lần từng bậc thang. Các cháu trong trường thấy vậy xung phong bế giúp nhưng chị không thể bởi Phi ngồi một chỗ đã lâu, cấu tạo cơ thể không còn bình thường, mọi vị trí lục phủ ngũ tạng trong người lộn nhào. Chỉ với linh cảm và kinh nghiệm của người mẹ chăm con từ bé mới biết cách bế, cách đi thế nào để không làm con đau. Cả những ngày chị ốm đau cũng vậy. Ba năm con học cấp ba, chị đã lần đếm từng bậc cầu thang đến thuộc lòng, làm đích để tính độ dài đường dồn sức cõng con vào lớp.
Chị Tuyết kể: Biết con mình đi học cũng chẳng thể xin đi làm được, nhưng tôi quyết tâm phải cho các cháu đến trường bởi cứ nghĩ, mẹ cũng chẳng sống mãi với các con được, chẳng may tôi có mệnh hệ nào thì ít nhất các cháu cũng biết cái chữ để viết đơn đề nghị sự giúp đỡ của xã hội. Ngay cả lúc cơ cực nhất, khi chồng tôi vì không chịu nổi cảnh vất vả, cơ cực lẳng lặng bỏ đi, một mình nuôi ba miệng ăn, tôi cũng tự nhủ không thể để các cháu nghỉ học. Từ nuôi heo, giặt quần áo thuê, phụ việc nhặt cỏ vườn, việc gì cũng được miễn là có tiền để cho con đến trường. Tôi đã phải cố gắng lắm, cố gắng ngoài sức tưởng tượng mới được như hôm nay. Niềm vui duy nhất ngày đó khiến tôi có thể quên đi sự nghèo nàn, vất vả là khi chúng tíu tít khoe cô giáo khen con học giỏi, cô giáo bảo con viết chữ đẹp.
Đã chục năm trôi qua, nhưng nhớ lại cảnh ngày xưa, chị Tuyết vẫn bật khóc.
Lớp học ngoài hiên nhà
[img]
[/img]
Lớp học của hai thầy giáo giàu nghị lực.
Lớp học “đặc biệt” của hai “thầy giáo” tật nguyền Trần Hoài Phú - Trần Hoài Phi nằm ngoài hiên ngôi nhà nhỏ. Gọi là lớp học nhưng không có bảng viết, không ghế ngồi, với gần 20 học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Chỉ có những chiếc bàn con, thầy và trò cùng ngồi bệt trên nền xi măng. Phú dạy từ lớp một đến lớp năm, còn Phi dạy các em cấp trung học. Học sinh đều là con em ở ấp Răm. Sáng các em học ở trường, chiều về qua để thầy Phú, thầy Phú ôn luyện lại những kiến thức đã học. Lớp học lúc đầu thì lèo tèo vài người nhưng càng về sau càng đông vì Phú, Phi giảng dạy rất dễ hiểu, lại hiền lành, vui tính. Nhiều người trong ấp, thấy con mình học học với Phú, Phi sức học ngày một tiến bộ, lại ngoan ngoãn hẳn nên khi đưa lớn học xong lại đưa đứa kế đến nhờ Phúc và Phi dạy giúp. Để cảm ơn thầy, nhiều phụ huynh chủ động người đưa 30 nghìn, người đưa 70 nghìn biếu hai anh em để “đỡ tiền mua bút, giấy …”
Trần Hoài Phú, tâm sự: “ Hai anh em chúng tôi từ thuở nhỏ chỉ có một niềm mơ ước lớn lên được làm thầy giáo. Nhưng do sức khoẻ ngày càng yếu, điều kiện lại không có nên hai anh em chỉ học hết cấp 3. Hồi mới nghỉ học, thấy nhiều trẻ em trong xóm vì gia đình khó khăn không được chăm lo nên học hành rất kém, chúng tôi nói mẹ sang nhà phụ huynh, xin cho chúng tôi được dạy kèm, không lấy tiền. Mẹ thương chúng tôi tàn tật, không có sức khoẻ nên đầu tiên không bằng lòng. Thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý. Thế là đến giờ, chúng tôi đã dạy hàng trăm em rồi…”.
Cháu Lê Thị Hoàng Linh, 13 tuổi, học lớp bẩy, ở ấp Suối Răm, được gia đình xin cho học ở đây từ năm lớp hai, kể: “Con học nhà thầy Phú từ lớp hai đến lớp năm, năm nào con cũng được học sinh giỏi. Khi lên lớp sáu con chuyển sang học thầy Phi và con muốn theo học các thầy cho đến khi thi đại học. Con rất thích học của các thầy vì các thầy dạy dễ hiểu …”. Còn cô bé Trương Khánh Quỳnh Dao, 9 tuổi, học lớp ba lại tíu tít khoe quyển vở với nét chữ tròn trịa, kể : “Nhà con ở xã bên nhưng anh trai con đã từng học thêm ở hai thầy, anh con học giỏi lắm, toàn đứng đầu lớp, nên mẹ gửi con sang xin hai thầy kèm cho. Thầy Phi rất vui, giảng rất dễ hiểu. Chữ của con đẹp là nhờ các thầy uốn nắn đấy”. Tôi hỏi bé Quỳnh Dao: “Mỗi tháng con có phải đóng bao nhiêu tiền ?”, “ Con không phải đóng tiền vì nhà con nghèo lắm, thầy dạy miễn phí. Thỉnh thoảng, thầy còn cho con sách vở … ”.
[img]
[/img]
Hạnh phúc với lòng yêu nghề yêu trẻ.
Dù bệnh tật, nhưng ngoài thời gian dạy học, hai anh em Phi lại lao vào học vi tính. Từ ngày Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tặng máy vi tính, hai anh em mày mò học xong chương trình A và B tin học. Hiện Phi đang theo học lớp đồ họa nâng cao tại Trung tâm dạy nghề huyện Long Khánh. Cảm động trước hoàn cảnh vượt khó của Phi, thầy Đỗ Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật nhận lời đào tạo cho Phi theo học phương pháp từ xa để giúp Phi vươn lên, có cơ hội tìm kiếm một việc làm ổn định. Khi chúng tôi tới, cũng là lúc cả gia đình hai em đang tất bật với dự định mở rộng hiên nhà, để có một lớp học khang trang hơn, bằng tiền của một Mạnh Thường Quân giấu tên ủng hộ.
Với những thu nhập nho nhỏ từ lớp học của Phi và Phú, tiền trợ cấp xã hội, cùng thu nhập trong vườn, giờ đây cuộc sống của ba mẹ con chị Tuyết đã tạm ổn. Chị Tuyết kể, vì có lẽ thương mẹ đã chịu nhiều thiệt thòi nên dù không lành lặn, dù luôn bị ốm đau phải vào bệnh viện, thế nhưng chưa bao giờ Hoài Phú – Hoài Phi than trách cho số phận của mình. Cứ như thế, hai anh em bước đi trên chính thân thể không hoàn thiện ấy, trên đôi chân không đứng được ấy và còn là chỗ dựa tinh thần cho mẹ mình. Quên đi nỗi nhọc nhằn vì cuộc sống mưu sinh, quên đi căn bệnh thấp khớp đêm ngày hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, gương mặt khắc khổ của người đàn bà ấy, vẫn sáng lên khi nhắc đến chuyện học hành, công việc hai người con kém may mắn của mình.
[img]
[/img]
Thiên đường không xa
của Đinh Thị Loan.
Cũng chung số phận kém may mắn như Phú và Phi, thế giới của Đinh Thị Loan (hiện sống tại 77/45 khóm 2 phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hơn hai chục năm nay chỉ bó hẹp trong bốn bức tường. Bố nguyên là bộ đội Trung đoàn Đồng Nai 1 bị nhiễm chất độc da cam, từ lúc sinh ra chưa ngày nào Loan có thể đứng dậy trên đôi chân của mình. Em được kết luận mất 81% sức khỏe, được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng. Vậy nhưng Loan đã cố gắng vươn lên để sống, vẫn làm thơ để tặng bố mẹ và trở thành một cây thơ trẻ được nhiều người biết đến. Xin trân trọng giới thiệu một bài thơ mới của em.
Thiên đường
Ai cũng bảo thiên đường xa lắm
Có ai hay nó ở rất gần
Là niềm vui bình thường giản dị
Là nụ cười hạnh phúc sẻ chia
Là nụ hồng tươi vừa hé mở
Là bình minh lóng lánh hạt sương
Hãy yêu thương và không thù hận
Trong ta đã có thiên đường...